Nhắc đến “Sống thử” là nhắc đến những cái lắc đầu của những bậc phụ huynh, sự kì thị của bạn bè đồng trang lứa, thậm chí thái độ dò xét của thầy cô (nếu bạn còn đang đi học). Đó là lý do 80% các đôi yêu nhau, sống thử ngại công khai mối quan hệ của họ. Và điều gì càng che dấu càng dễ gây ra những hậu quả đáng buồn…
Bài dự thi viết về đề tài sống thử, mã số 1029 các bạn có thể tham gia và giành những giải thưởng hấp dẫn từ cuộc thi.
Kì 1.Từ ánh mắt người đời… Đến những hậu quả đáng buồn
Nếu gõ cụm từ “ sống thử” trên google tôi chắc bạn sẽ có có gần 70,000 000 kết quả. Hầu hết những bài viết, hình ảnh, video đều phản đối, lên án hay phủ nhận việc sống thử của phần lớn thanh niên hiện nay. Đáp lại thái độ những sự kì thị đó, các cặp sống thử đang bướng bỉnh phá đi tương lai riêng của họ và gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Bạn có thực sự muốn sống trong một môi trường nhiều “tính đối lập” nhau như vậy? Thay vì tiếp tục đối kháng nhau đầy quyết liệt, bảo thủ, sao hai bên không ngồi lại và thương thuyết nhỉ?
Nạo phá thai, chia tay, tự tử vì tình… thậm chí vô sinh, những vụ giết người do ghen tuông, tranh chấp tình cảm… Bạn thường nghe những cụm từ này hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu bạn đủ rảnh rỗi lướt web, online nhiều giờ. Nếu bạn có đôi chút quan tâm và ở phe những người “nói không với sống thử” tôi chắc bạn sẽ kết luận rất vội vàng rằng: Do sống thử nên mới có hậu quả đó. Bạn có chắc về điều đó không?
Bởi vì, ngay cả các cặp yêu nhau hay đã chính thức là vợ chồng vẫn có thể nạo phá thai khi sức khỏe người vợ không đảm bảo hay điều kiện kinh tế của họ chưa cho phép. Vậy thì, Sống thử không phải là nguyên nhân duy nhất chứ?
Bởi vì, tình yêu vốn là một phạm trù cảm xúc đặc biệt. Có thể, hôm nay bạn yêu đến chết vì một chàng trai/ cô gái nào đó. Nhưng qua một thời gian dài tìm hiểu, ở bên nhau, bạn chợt nhận ra “ Cô ấy/ anh ấy không thuộc về mình”. Vậy chia tay được đánh giá là một giải pháp hoàn hảo cho họ. Thậm chí, có nhiều cặp vợ chồng chính thức còn dẫn nhau ra tòa ly hôn. Tôi dám chắc rằng những cặp vợ chồng đó không ly hôn vì đã từng sống thử. Bởi nếu đã từng sống thử thì họ đã chia tay nhau ngay từ ngày ấy rồi.
Có rất nhiều anh chàng/ cô nàng yếu đuối trong chuyện tình cảm. Khi chia tay người mình đã từng yêu, họ hay dọa đối phương là sẽ tự tử, làm tổn thương chính mình. Tỉ lệ sống thử của họ không phải là tuyệt đối đâu. Vậy nên trào lưu sống thử không có lỗi trong chuyện này nhỉ?
Thay vì tìm hiểu thực chất vấn đề : “Sống thử là gì? Tại sao sống thử đang trở thành trào lưu của giới trẻ dù bị ngăn cấm?” Thì phần đông trong chúng ta đều kì thị sống thử theo hiệu ứng tâm lý đám đông. Nghĩa là bạn thấy mọi người “bài trừ”, phản đối sống thử và bạn hùa theo như thể đó là điều tất yếu.
Hiểu theo nghĩa đơn giản, sống thử là tình trạng nam nữ chung sống với nhau mà không tổ chức đám cưới, không đăng kí kết hôn. Nghĩa là, họ sẽ không bị ràng buộc với nhau về mặt trách nhiệm. Vậy những người đó sai ở đâu? Câu trả lời là: Họ không sai. Bạn ngạc nhiên về điều đó như phần đông mọi người?
Độ tuổi để tham dự thi và học cấp bậc Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ở Châu Á phần lớn rơi vào biên độ 18 – 22 tuổi. Đây là độ tuổi có các quyền lợi và trách nhiệm của một công dân trưởng thành. Vậy nếu một người ở độ tuổi trưởng thành quyết định chung sống với người anh ta yêu thì sao? Về mặt pháp luật, nếu anh ta có đăng kí tạm trú dài hạn cho bạn gái mình ( trong trường hợp ở trọ), anh ta đã hoàn thành trách nhiệm. Về mặt văn hóa ứng xử cộng đồng, anh ta không vi phạm trật tự trị an, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người khác. Theo bạn, anh ta sai ở đâu? Anh ta/ cô ta không sai. Vậy những người nói Không với sống thử sai ? Họ cũng không sai. Điều sai duy nhất ở đây là hệ thống giáo dục, đào tạo kỹ năng mềm cho thanh thiếu niên. Tổ chức Liên hiệp quốc đã nói rằng : “ Cần đào tạo con người những kỹ năng sinh tồn trước khi đào tạo họ kiếm tiền”. Rất nhiều nước đã không làm được điều này . Và sống thử trở thành trào lưu vì sự tò mò, ham khám phá của giới trẻ. Điều đó có thể thay đổi được khi mọi người nhìn nhận sống thử đúng bản chất và tiếp cận nó với thái độ khác bây giờ.
Kì 2: Những chuyện tình trong bóng tối.
Nếu bạn gửi đến người đối diện sự tôn trọng, bạn sẽ nhận lại gấp đôi: sự tôn trọng và yêu mến. Nhìn nhận trào lưu sống thử theo cách mới, bạn sẽ đồng cảm, bao dung nhiều hơn với người trẻ.
Câu chuyện tình thứ nhất:
Tôi có quen một đôi bạn trẻ. Họ yêu nhau 10 năm, sống thử 8 năm và mới cưới cách đây 2 năm. Chuyện tình của họ gian nan và cảm động như bất cứ mối tình nào. Nàng là cô nàng dược sĩ tương lai tên Hà, chàng là sinh viên mỹ thuật tài hoa tên Tuấn. Họ yêu nhau đến nỗi đã “tính cuộc vuông tròn” nhưng vấp phải sợ phản đối kịch liệt của gia đình chàng. Vượt qua lời trách mắng của cha mẹ, họ sống thử cùng nhau 8 năm. Ngoài những giờ lên lớp, chàng cặm cụi múa cọ vẽ thuê cho người ta, làm các phần mềm đồ họa để mưu sinh. Nàng cũng cần cù chẳng kém, ngày đi học, chiều đi bán hàng quần áo thuê góp nhặt dăm đồng cho sinh hoạt chung của hai người, tối cặm cụi đèn sách ôn thi Đại học. Vì lý do gia đình chàng phản đối chuyện hai người là cô nàng chỉ học… trung cấp. Năm sau, Hà thi đỗ một trường Đại học công lập. Lần này, gia đình chàng lại chê nhà Hà phức tạp. Mẹ Tuấn còn dọa Hà: “ Chỉ cần Tuấn đi đăng kí kết hôn hay tổ chức đám cưới với Hà sẽ sẵn sàng từ con, uống thuốc ngủ cho Hà biết”. Thế nên, họ ngậm ngùi sống thử với nhau hơn 8 năm. Hà không dám mơ đến đám cưới, váy hoa trong khi Tuấn sốt ruột muốn làm chú rể, muốn cho Hà một danh phận. Ra trường, khi đã ổn định về kinh tế, Tuấn “bàn liều” với Hà sẽ “sản xuất một tí nhau” để có được cái gật đầu của… bà nội. Ai ngờ, kế sách ấy thành công mỹ mãn. Đám cưới của họ tổ chức đơn giản, ấm áp. Bạn bè ai cũng mừng cho đôi vợ chồng trẻ đã chuyển từ sống thử sang sống thật. Vì hơn ai hết, những người bạn xung quanh họ chứng kiến những ngày cả hai vừa đi học vừa đi làm vất vả thế nào mà vẫn không chịu rời bỏ nhau. Điều đó chứng minh họ sống thử nhưng yêu thật.
Câu chuyện tình thứ hai:
Bước vào đại học ở cái tuổi 30, Hải không nghĩ mình sẽ tìm thấy tình yêu của đời mình nơi đây- Phượng. Hải yêu Phượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Lăn lộn ngoài xã hội từ sớm vì nhà nghèo, Hải phải dành dụm đủ chút vốn mới dám đi học đại học như người ta. Vì cha nát rượu, mẹ có như không nên Phượng chẳng tin vào tình yêu, hôn nhân. Phượng làm thêm điện thoại viên ngoài giờ học để trang trải học phí. Hôm đó,trực ca đêm nhiều nên Phượng bị sốt cao lại tiếc tiền không đi khám nên cô mê man ở khu nhà trọ. Hải gọi điện báo lịch thi mới mà không ai nhắc máy, anh vội vàng đi hơn 20km sang khu nhà trọ Phượng ở. Đến nơi, anh phải nhờ chủ nhà trọ phá cửa, cõng Phượng chạy ra bệnh viện gần đó khi trong túi có… 20.000đ để đi xe bus về nhà. Sau chuyện đó, Phượng nhận lời yêu Hải. Nhưng gia đình Phượng chê Hải nghèo, lại chưa đi làm nên phản đối họ. Hai người đã sống thử hơn 5 năm với những bữa cơm bữa cháo. Họ đều là những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc tại trường Đại học. Ai nói người sống thử không thông minh, không học giỏi như những người khác?
Câu chuyện thứ n…
Tôi có thể kể bạn nghe rất nhiều những câu chuyện “sống thử, tình thật” của họ. Nhưng đó sẽ chỉ là câu chuyện phiếm hay vài dòng tin tức tào lao bạn vẫn đọc online hàng ngày nếu bạn không thay đổi cách nhìn nhận về họ. Có thể bạn nghĩ tôi đang bênh vực, đứng về phía những người sống thử. Nhưng có công bằng với họ không, khi bạn kì thị, dò xét khoảng sống riêng tư, tình yêu của họ. Việc đó chẳng khác nào bạn ghét nhím vì nó…có gai.
Sống thử là một thực trạng trong xã hội. Vậy nên đánh giá đúng, nhìn nhận công bằng sẽ đem lại những giải pháp tích cực hơn hiện trạng đáng buồn bây giờ: người sống thử cứ sống thử, người không sống thử thì soi mói thậm chí xúc phạm người sống thử công khai.Bạn là ai trong số đó? Hay chúng ta nên tạo lập cộng đồng mới – cộng đồng người công bằng, khách quan và nhân văn hơn trong mọi ứng xử các vấn đề mang tính thời đại?
(Tên nhân vật trong bài viết đã thay đổi)
Tôi ủng hộ quan điểm của tác giả. Bấm thích hoặc không thích để bình chọn cho bài viết này!
Tác giả đã từng sống thử =))
Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả
Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả
Bài viết rất đáng để suy ngẫm……
Tôi đồng ý sống thử tình thật và chắc chắn rằng kết hôn là chuyện sớm muộn.