Lúc còn ở quê, tôi chứng kiến lão Năm Gà lần lượt cưới tới 3 bà vợ. Người vợ cả nhìn cũng thuộc hàng ‘’sắc nước hương trời’’ nhưng không hiểu thế nào sống với lão hơn 5 năm mà chẳng có thai, có nghén gì cả. Lão thương vợ nên chẳng màng tới chuyện tìm ‘’thiếp’’ để kiếm con mà chăm đi thầy lang tìm thuốc, song ông lang nào cũng bảo tại lão không có con chứ không phải tại vợ. Song cả thân mẫu lão và lão đều không tin vì dòng họ bên nội, bên ngoại nhà lão có ai tuyệt tự đâu.
Được năm nữa, thuốc men đã no đủ nhưng vợ lão cũng cứ ỳ ra chẳng chịu chửa đẻ gì, rồi do sức ép của gia đình lão đành chấp nhận làm chồng một cô gái ở làng bên. Đám cưới cũng có dăm mâm và làng xóm cũng chẳng ai bàn ra, tán vào, bởi cái thời trước thập niên 60 của thế kỉ 20 chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình.
Đột nhiên, cô vợ hai về mới vài tháng mà cái bụng đã đầy đầy, cả gia đình lão mừng hơn bắt được của lớn, họ cưng cô Hai như cưng trứng mõng, còn lão chẳng tiếc lời chửi mấy ông lang vườn, lang xã, lang huyện rằng ‘’tất cả chỉ là loại lang băm’’. Đứa cháu nội đầu tiên sinh ra là gái, mặc dù bị đẻ non nhưng nó rất cứng cáp như đứa đẻ đủ tháng. Cháu gái, thân mẫu lão không thích là mấy song cũng quý hóa cháu lắm và bà cầu xin đứa thứ hai là trai để người nối dõi tông đường. Chị vợ Cả lão lúc này gần như bị gia đình chồng ‘’cho ra rìa’’, kể cả lão Năm Gà có lẽ do cưng con mà có hướng dành nhiều tình cảm cho vợ Hai hơn, mặc dù nhan sắc vợ Cả ối ông hàng xóm thèm chảy nước dãi. Biết thân phận hẩm hiu chị Cả vẫn nhịn nhục tránh né những cái nhìn không thiện cảm của cha mẹ, chị em chồng, nhất là cái ‘’khinh khỉnh’’ của bà Hai.
Gia đình lão kiên nhẫn chờ đợi cô Hai có thai lần hai để có cậu ấm, ấy vậy mà đến 3 năm sau cô mới báo rằng cô đã nghén. Ngày lâm bồn hy vọng của gia đình hơi tiêu tan bởi đứa thứ hai cũng lại là gái. Được một năm nữa thân mẫu lão tổ chức một cuộc họp gia đình quyết định làm thêm hai căn nhà nhỏ tận cuối thổ cho vợ Cả, vợ Hai lão Năm Gà mỗi người một cái ở riêng để lão có vợ thứ ba kiếm cháu đích tôn. Thời đó phụ nữ khi đã ‘’xuất giá’’ thì phải ‘’tòng phu’’, con dâu mở miệng cãi mẹ chồng, cãi chồng thì cha mẹ đẻ cũng khốn khổ bởi bị mắng vốn. Vì lẽ đó mà chị vợ Cả ngoan ngoãn dọn tư trang nhận nhà mới. Cô Hai thì cũng không giám bất tuân song trong lòng thì hằn học, cô ta nói thẳng :’’Nếu sau hai năm cô Ba không có con thì tôi sẽ đưa con sang làm chủ gia tài đấy’’. Hai bà lớn dọn ra riêng đầu tháng thì gần cuối tháng lão Năm rước vợ ba, bởi thời bấy giờ con trai nhà quê cỡ trung nông trở lên cưới vợ dễ hơn tìm mua bò cái.
Thời gian thấm thoát trôi, nói cho đúng ra thì từ đó lão Năm cũng chẳng tỏ vẻ thương yêu bà nào nhiều hơn vì nó có nhiều lẽ. Mặc dù bà Ba còn trẻ song thực bụng lão không mê mệt cho lắm, bởi mục đích của lão cũng như mẹ lão cưới vợ để kiếm con trai. Bà Cả dù đã ba mấy tuổi rồi nhưng ‘’sắc nước, hương trời’’ vẫn không mất đi là mấy và lão thương nhất là cái tính hiền lành, chịu khó. Còn bà Hai, ngay từ buổi đầu lão đã không ưa cái tính, cái nết bị cho là chanh chua, song dù gì cũng đã có 2 đứa con nên lão tự cho mình là phải có trách nhiệm đối xử công bằng, nhờ vậy mà cả ba bà dù ‘’chẳng bằng lòng’’ song cũng thể hiện ‘’bằng mặt’’. Rồi cô Ba cũng đẻ cho lão một cậu con trai bụ bẫm, kháu khỉnh, nhưng cũng kể từ đó gia đình lão chẳng mấy lúc được êm, chiến trang nóng, chiến tranh lạnh nổ ra liên tục, dân làng đánh giá chủ yếu là do bà Hai gây sự.
Ít lâu sau thân mẫu lão Năm mất ở tuổi mới hơn 60 một tý, dân làng đồn rằng bà ấy chết là do đau buồn chuyện ba bà con dâu không hòa thuận. Được hơn năm, có lẽ do chẳng vui thú gì cái cảnh chung chồng, bà Cả lão Năm xin thôi, lão Năm có lẽ thấy nhiều vợ gây rắc rối quá nên cũng thuận tình. Bà Cả cuốn gói về nương náu nhà mẹ ruột, còn lại hai bà vợ lão Năm vẫn chẳng ngừng gây chiến tranh gay gắt, không ít lần hai bà đã hạ cẳng tay, thượng cẳng chân làm om sòm làng xóm. Những lúc như vậy, lão Năm chỉ biết cắm cổ chạy sang nhà hàng xóm lánh mặt, chứ hai bà đều thuộc diện dữ như chằn tinh, mở mồm binh một trong hai coi như mang họa.
Rồi do cuộc sống ở quê đất chặt người đông, cả gia đình tôi chuyển đi làm kinh tế mới lên Tây Nguyên, thi thoảng cũng theo cha mẹ về thăm quê nhưng cũng chẳng có thời gian đến thăm hoặc hỏi thăm về gia đình lão. Song có lẽ do quả đất tròn mà mới đây tôi tình cờ gặp một người giông giống lão ở Tây nguyên, hỏi ra thì đúng là lão, lão già hơn cái tuổi 66 của lão quá nhiều. Lão mời tôi về nhà, nhưng thực ra nó chỉ là cái chòi trong vườn cao su bạt ngàn. Lão bảo lão ở đây tới 10 năm rồi, vườn cao su này là của đứa cháu họ xa, coi giữ cho nó thì nó nuôi cơm no đủ, lúc nào chết nó làm ma chay đàng hoàng, còn tiền công thì hầu như không có. Tôi giật mình hỏi vợ con lão đâu, lão cười chua chát:
-Bỏ cả rồi…
Tôi đỡ lời:
-Ủa, anh có thằng con trai cơ mà.
Lão gật:
-Ba thằng chứ không phải một, bà Ba ngoài hai con gái mà trước kia chú còn ở quê đã có sau này đẻ thêm thằng nữa là hai, bà Hai một thằng.
-Vậy chớ…?
-Buồn lắm chú ơi, con mình nhưng không phải máu mủ của tôi…
Mặc dù do rất bận công việc song đêm ấy tôi cũng ngủ với lão tại chòi với mục đích hiểu ra ngọn nguồn. Lão kể:
-Chuyện bại lộ sau khi thằng con trai của bà Ba lên 16 tuổi, nó đã phát hiện ra bà Hai ngoại tình và cùng với tôi bố trí bắt quả tang. Tôi khăng khăng bỏ, bà ta năn nỉ cả tháng trời nhưng tôi đã quyết định đưa đơn ra Tòa án huyện xin ly hôn và tuyên bố chỉ cho vỏn vẹn miếng đất thổ cư khoảng 500 mét vuông mà mẹ con bà ấy đã ở, còn lại nhà cửa và 4 sào vườn để lại hết cho thằng con bà Ba. Lúc này bà Ba mới hùng hồn tuyên bố ‘’thằng ấy nó không phải là con ông, vì ông không thể có con’’. Tôi choáng váng hết cả người hỏi lại :’’Vậy chớ hai thằng con bà?’’, bà ta cười khềnh khệch :’’Tôi đã nói là ông không thể có con mà còn hỏi ngờ nghệch thế. Bốn đưa con tôi là của hai người bố khác…’’. Tôi chỉ nghe được có vậy là đã ngất xỉu luôn. Song để chính xác tôi đã tìm đến nhiều bệnh viện để khám, để xét nghiệm…, người ta đều quả quyết trăm phần trăm là tôi không thể có con.
Tôi há hốc mồm không biết hỏi lão gì thêm được nữa. Một lát lão thở dài:
-Sự đời oái oăm làm vậy, rồi chuyện ấy chẳng bao lâu cả làng, cả xã biết hết. Đến mấy tháng tôi không giám ra đường bởi hễ thấy bóng tôi là già, trẻ nhìn chằm chằm. Có kẻ còn nhiếc móc rằng :’’Cha ông ngày xưa là Hội đồng bóc lột dân nghèo quá giờ ông phải gánh đấy’’. Ở quê không được tôi đành phải cầu bơ, cầu bất vô đây coi như quên hết sự đời.
ÔI, cái sự đời lắm chuyện oái oăm!
….từng ngày cư trôi qua . _ khi bên e tôi mong sao thời gian dung lại.. De đk bên e lâu hơn … Tình yêu ma ngày ngày danh… Read more »