Có những triệu chứng tưởng chừng như vô hại nhưng có thể ẩn chứa nguy cơ nguy hiểm cho bà bầu. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về các triệu chứng nguy hiểm cho bà bầu để có thể xử lí kịp thời nếu gặp phải.
Tăng tiết dịch âm đạo
Bình thường khi bị nhiễm trùng âm đạo hoặc nấm âm đạo sẽ khiến cho âm đạo bị ẩm ướt, tiết nhiều khí hư, nhưng khi bạn đang mang thai thì cần phải kiểm tra kỹ lưỡng triệu chứng này. Trong thời gian mang thai, sự thay đổi nội tiết tố có thể làm tăng lượng chất nhờn màu trắng, không mùi. Đây là triệu chứng rất bình thường của phụ nữ khi mang thai.
Tuy nhiên, nếu những chất nhờn đó có màu xanh vàng, có mùi khó chịu và đi kèm với những cơn đau nhức vùng bụng hoặc khí hư bột trắng, ngứa, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ vì rất có thể bạn đã bị nấm, nhiễm trùng ‘vùng kín’ hoặc rò rỉ nước ối.
Nốt ban đỏ ở gan bàn tay
Trong quá trình mang thai, sự thay đổi nội tiết có thể khiến nhiều thai phụ xuất hiện những nốt ban đỏ ở gan bàn chân, bàn tay. Đây là hiện tượng bình thường không có gì nguy hiểm, sau sinh chúng sẽ biến mất hoặc có thể biến mất nhanh hơn.
Nơvi hình nhện
Còn những thay đổi trên da thì sao? khi mang thai, nội tiết tố thay đổi sẽ khiến lưu lượng máu tăng lên gây ra tình trạng những mạch máu li ti kết toả thành hình nhện như hoa thị (nơvi hình nhện) thường thấy trên khuôn mặt ở vùng trán, gò má, cổ hoặc trong lòng trắng mắt. Hiện tượng này sẽ giảm dần sau khi sinh con nhưng nếu kéo dài quá lâu, bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Mụn nhỏ có mủ
Nếu một buổi sáng bạn thức dậy, bạn thấy những nốt mụn nhỏ trong nướu răng, đừng lo lắng hoảng hốt vì những nốt mụn này là vô hại và không ảnh hưởng đến bà bầu và thai nhi. Vì trong quá trình mang thai, lượng canxi được huy động ra nhiều để tạo xương cho thai nhi, điều này khiến cho răng của các thai phụ dễ bị sâu và từ đó dễ bị viêm lợi, viêm miệng. Hiện tượng này sẽ biến mất sau khi bạn sinh con nhưng hãy tới gặp bác sĩ ngay nếu những nốt mụn này làm bạn đau nhức hoặc gây khó khăn.
Thay đổi của mắt
Thay đổi của mắt là triệu chứng thực tế dễ nhận thấy ở phụ nữ mang thai. Ứ dịch trong thời gian mang thai có thể khiến độ cận thị của bạn tăng lên. Đồng thời, lượng estrogen tăng cao có thể dẫn đến triệu chứng khô mắt, mờ và nhạy cảm hơn với ánh sáng. Hiện tượng này sẽ biến mất sau sinh.
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng bị giảm thị lực trong trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, khi gặp hiện tượng này, bạn cần đến khám bác sĩ để được câu trả lời chính xác nhất.
Đau nhức rốn
Khi mang thai, tử cung giãn ra to nhanh áp lực đến vùng rốn gây đau nhức rốn cho bà bầu. Nhất là khi thai nhi được 20 tuần tuổi, những cơn đau rốn xảy ra dữ dội nhất sau đó mới dịu bớt dần. Tuy nhiên hiện tượng này không được phổ biến lắm. Nếu bạn rơi vào tình trạng này mà trong thời gian dài bệnh không thuyên giản, bạn cần đến ngay trung tâm y tế để được khám và tư vấn.
Hội chứng ống cổ tay
Một hiện tượng mà thai phụ rất hay gặp phải đó là hội chứng ống cổ tay (hội chứng đường hầm, hội chứng chèn ép thần kinh giữa). Hội chứng này dẫn đến ngứa, đau, tê rần, bì bì và làm yếu ngón tay, bàn tay; thường gặp ở giai đoạn cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do tình trạng tăng tiết dịch ở quanh các dây thần kinh ở cổ tay. Hiện tượng này sẽ biến mất sau sinh, tuy nhiên với một số trường hợp đặc biệt vẫn phải phẫu thuật để chữa bệnh. Để khắc phục hiện tượng này, bạn có thể châm cứu hoặc đeo nẹp nhựa vào ban đêm.
Đau hông
Những cơn đau hông dữ dội khiến bạn mất ngủ về đêm, đây là một triệu chứng do thay đổi nội tiết khi mang thai gây ra. Nội tiết tố thay đổi làm mềm sụn ở hông và dãn dây chằng ở các khớp xương để tạo điều kiện cho việc sinh nở sau này, nhưng điều này lại khiến các sản phụ bị đau nhức. Đây là một hiện tượng bình thường nhưng lại làm các mẹ bầu cảm thấy khó chịu. Để khắc phục, bạn nên chọn tư thế nằm ngủ phù hợp và chèn những chiếc gối mềm xung quanh, để dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu và ngon.
Chúc các bà bầu sẽ có được những kiến thức cần thiết nhất để bảo vệ cho bản thân và thai nhi được khỏe mạnh